Hướng dẫn cách vỗ rung long đờm điều trị bệnh hô hấp ở trẻ

Viêm nhiễm đường hô hấp làm xuất hiện dịch đờm nhớt ứ đọng khiến trẻ khó chịu và bỏ ăn. Vỗ rung long đờm là liệu pháp mới trong việc điều trị các bệnh về hô hấp, ho đờm hoặc viêm phổi ở trẻ.
 

Hiện nay vật lý trị liệu hô hấp hay còn được gọi là kỹ thuật vỗ rung long đờm là một trong những phương pháp điều trị viêm nhiễm đường hô hấp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, bạn cần tìm hiểu rõ phương pháp này để tránh gây hại cho con.

1. Vỗ rung long đờm là gì?

NativeAd from Google

Là phương pháp vật lý, dùng bằng tay hoặc bằng dụng cụ, hoặc cả hai để giúp cải thiện hiệu quả việc hô hấp, giúp phổi giãn nở tốt hơn, tăng cường sức cơ hô hấp, và đào thải, bài trừ các chất tiết, đờm nhớt ra khỏi đường hô hấp.

Vỗ rung long đờm dựa vào tính chất vật lý của chất khí để làm thay đổi áp suất trong đường dẫn khí, theo nhịp thở của trẻ để làm long đờm nhớt, thông thoáng đường thở. Phương pháp này được áp dụng trong một số bệnh lý về đường hô hấp như: nghẹt mũi, ho có đờm, xẹp thùy phổi, các bệnh về hô hấp ở trẻ…

Phương pháp này giúp đường thở được thông thoáng khiến trẻ thở được dễ dàng hơn. Đồng thời giải phóng đờm nhớt ứ đọng trong phế quản, khí quản của trẻ.

2. Hướng dẫn các bước vỗ rung cho trẻ

Để thực hiện phương pháp này, bố mẹ nên cho trẻ nhịn ăn trước khoảng 2 tiếng. Đồng thời, phun khí dung trước cho trẻ để đờm loãng ra, dễ dàng tống khứ ra khỏi khí quản.

Tư thế vỗ rung long đờm

Trẻ có thể nằm nghiêng một bên, hoặc ngồi cúi đầu về phía trước, hoặc tư thế mẹ bế vác trẻ. Các tư thế này khiến dẫn lưu đờm tốt hơn.

Xác định vị trí vỗ

Vỗ từ vùng phổi trẻ, vỗ từ dưới vỗ lên nhằm mục đích dẫn lưu đờm từ dưới lên miệng, họng. Các mẹ có thể ước lượng vùng phổi của trẻ từ ngang lưng trở lên.

Kỹ thuật vỗ rung long đờm

Tư thế tay: Tay khum lại tạo thành một khoảng trống không khí thì khi vỗ trẻ sẽ không đau, không để bàn tay thẳng vỗ vì sẽ khiến trẻ đau.

Dùng lực cổ tay vỗ rung cho trẻ tạo thành tiếng “bộp, bộp”, cảm giác lồng ngực của trẻ sẽ rung lên từng nhịp theo nhịp vỗ tay, làm đúng kỹ thuật trẻ sẽ không hề đau mà còn cảm giác thoải mái, thích thú. Lưu ý không dùng lực cánh tay để vỗ rung cho trẻ vì sẽ làm trẻ đau.

Mỗi lần vỗ rung làm 10-15 phút. Sau khi vỗ rung có thể trẻ sẽ ho nhiều, nôn ra đờm, cần lưu ý quan sát tính chất đờm trắng loãng hay xanh, vàng đặc để báo cho bác sĩ.

3. Những lưu ý khi vỗ rung cho trẻ

Kỹ thuật này chỉ áp dụng khi trẻ ho có đờm, không áp dụng với những trẻ ho khan.

Vỗ rung long đờm là một biện pháp điều trị hỗ trợ, không phải là biện pháp điều trị nguyên nhân.

Thời điểm vỗ rung long đờm cho trẻ tốt nhất là buổi sáng sớm khi trẻ ngủ dậy, sau một đêm dài ngủ lượng đờm ứ đọng sẽ nhiều hơn và tránh việc làm trẻ bị nôn trớ thức ăn.

Trước và sau khi vỗ rung, mẹ cần hút sạch đờm dãi khỏi mũi họng trẻ.

Trong quá trình vỗ rung long đờm cho bé, mẹ nên tháo bỏ trang sức như nhẫn, đồng hồ đeo tay.

Không nên vỗ trực tiếp lên người nếu trẻ cởi trần mà nên phủ một tắm khăn mỏng lên người con.

Tuy là biện pháp hỗ trợ hiệu quả, nhưng nếu không được trang bị kiến thức đầy đủ, các bậc phụ huynh không nên tự ý vỗ rung long đờm cho trẻ tại nhà. Ngoài ra, có thể áp dụng 1 số phương pháp khác để giúp trẻ dễ chịu hơn:

- Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý cho trẻ 4-5 lần/ngày, đặc biệt trước khi cho trẻ ăn hoặc ngủ để trẻ ngủ ngon hơn và ăn dễ hơn. Trước khi nhỏ mũi cho trẻ, cha mẹ nên rửa tay sạch sẽ.
- Chỉ nên dùng khăn giấy sạch sử dụng một lần để hỉ, lau mũi cho trẻ; tránh dùng khăn sữa nhiều lần vì có nhiều nguy cơ lây nhiễm nặng hơn.
- Cho trẻ uống nhiều nước để đờm loãng ra.
- Chia nhỏ các bữa ăn để trẻ dễ tiêu và không biếng ăn.
- Khi ngủ, cho trẻ nằm nghiêng, kê gối cao hơn thông thường.
- Hạn chế việc mẹ dùng miệng hút mũi cho trẻ vì trong khoang miệng của mẹ có nhiều vi khuẩn gây bệnh, chỉ nên dùng trong trường hợp cấp cứu.

Nguồn: Bau.vn