5 dấu hiệu chính là "lời kêu cứu" của thận, cần đi khám sớm kẻo suy thận lúc nào chẳng hay

Thận là cơ quan đóng vai trò đặc biệt với sức khỏe nói chung và hệ bài tiết nói riêng, vì thế khi có 5 dấu hiệu sau, bạn cần đi khám sớm để tránh mắc bệnh về thận.

Thận là một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể con người. Chức năng chính của nó là lọc sạch và loại bỏ độc tố ra khỏi máu, duy trì cân bằng muối và điện giải, điều chỉnh huyết áp, loại bỏ nước dư thừa… Từ đó giúp chúng ta luôn khỏe mạnh và duy trì sức khỏe ổn định.

Chính vì thận có vai trò chủ lực như vậy nên cần phải giữ chúng luôn khỏe mạnh. Nếu thận đột nhiên bị nhiễm độc hoặc làm việc quá tải, nó sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan nội tạng khác hoặc toàn bộ cơ thể. Các bệnh như viêm cầu thận, sỏi thận, suy thận, ung thư thận... có thể tác động trực tiếp tới chất lượng sống và thậm chí là tính mạng của bệnh nhân.

NativeAd from Google

5 dấu hiệu chính là lời kêu cứu của thận, cần đi khám sớm kẻo suy thận lúc nào chẳng hay - Ảnh 1.

Bệnh thận rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống về lâu dài.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, dưới đây là 5 triệu chứng điển hình cảnh báo chức năng thận của bạn đang có vấn đề, hãy nhanh chóng tìm đến bác sĩ để được chữa trị kịp thời:

- Mất cảm giác thèm ăn, tụt cân nhanh

- Mệt mỏi, nhức đầu và suy nhược cơ thể

- Mất ngủ, khó ngủ

- Cơ thể ốm yếu, dễ mắc các bệnh vặt

- Da trở nên khô và ngứa

Cụ thể 5 dấu hiệu bệnh thận như sau:

1. Mất cảm giác thèm ăn, tụt cân nhanh

Theo CDC Hoa Kỳ, triệu chứng mất cảm giác thèm ăn là một trong những dấu hiệu dễ thấy nhất của bệnh thận. Lúc này chức năng thận đang gặp nhiều vấn đề bệnh tật, khiến các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy bị trì trệ và gây nên tình trạng thiếu máu. Từ đó tác động đến cơ và não bộ, làm cơ thể uể oải và chán ăn.

5 dấu hiệu chính là lời kêu cứu của thận, cần đi khám sớm kẻo suy thận lúc nào chẳng hay - Ảnh 2.

Chán ăn, mất cảm giác thèm ăn có thể là dấu hiệu bệnh thận nhưng ít người để tâm.

Bên cạnh đó, việc thận bị tổn thương cũng trực tiếp tác động đến việc sản sinh erythropoietin (EPO) – một chất kích thích tủy xương tạo ra hồng cầu. Nếu không chữa kịp thời sẽ dẫn đến bệnh thiếu máu, khiến bệnh nhân liên tục thấy chán ăn, tụt cân nhanh và đau tức 2 bên mạn sườn. Chính vì vậy, một khi bạn thấy chán ăn bất thường thì cần phải đi khám ngay, dù không phải bệnh thận thì cũng là dấu hiệu của những vấn đề liên quan khác.

2. Mệt mỏi, nhức đầu và suy nhược cơ thể

Khi thận khỏe mạnh và hoạt động tốt, chúng sẽ giúp chuyển đổi vitamin D trong cơ thể để duy trì xương chắc khỏe và tạo ra erythropoietin. Vậy nên khi thận gặp sự cố, chúng cũng giảm sản xuất EPO hơn và gây thiếu máu, dẫn đến sự mệt mỏi của cơ và não. Lâu dần bạn sẽ luôn thấy mệt mỏi, nhức đầu và suy nhược cơ thể.

Hầu như những người bị bệnh thận đều mắc phải chứng thiếu máu mãn tính. Để kiểm tra xem liệu những cơn mệt mỏi, suy nhược cơ thể có phải là dấu hiệu bệnh hay không, bạn cần phải ăn ngủ điều độ liên tục nhiều ngày. Nếu đã nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc mà vẫn thấy mệt, hãy đến bệnh viện khám ngay lập tức.

3. Mất ngủ, khó ngủ

Như đã đề cập, thận là cơ quan có chức năng thanh lọc và loại bỏ độc tố trong máu. Thế nên khi thận hoạt động bất thường, chất độc không thể thoát ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu và lưu lại trong máu. Một khi mức độ độc tố tăng lên thì bạn rất khó đi vào giấc ngủ sâu, gây mất ngủ suốt trong thời gian dài.

5 dấu hiệu chính là lời kêu cứu của thận, cần đi khám sớm kẻo suy thận lúc nào chẳng hay - Ảnh 3.

Khi thận yếu, độc tố sẽ không thể thoát ra khỏi cơ thể và khiến bạn mất ngủ dài ngày.

Đây cũng là lý do giải thích cho việc thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ suy giảm chức năng thận. Tùy vào mức độ của bệnh mà tình trạng mất ngủ cũng nhẹ hoặc nặng theo. Hơn thế nữa, những người bị bệnh thận mãn tính cũng mắc phải chứng ngưng thở khi ngủ - một tình trạng rối loạn khiến bạn ngưng thở trong một hoặc nhiều khoảng thời gian khi ngủ, cần phải tranh thủ đi khám sớm.

4. Cơ thể trở nên ốm yếu, dễ mắc các bệnh vặt hơn

CDC khẳng định rằng, khi thận bị suy giảm chức năng thì chúng không thể lọc máu tốt như bình thường, khiến độc tố lưu lại trong cơ thể và làm yếu đi hệ miễn dịch. Từ đó tạo điều kiện cho những căn bệnh khác có thể "tấn công" mạnh hơn, chẳng hạn như bệnh tim mạch và đột quỵ.

Theo các chuyên gia, suy thận là yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh đột quỵ lên 5-30 lần so với người bình thường, tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh vì suy thận cũng tăng hơn 90%. Chính vì vậy, khi bạn cảm thấy cơ thể không còn khỏe nữa, dễ ốm vặt hơn thì cần chủ động đi khám sức khỏe để phòng ngừa bệnh thận.

5. Da trở nên khô và ngứa

Thận là cơ quan chủ đạo giúp đào thải độc tố, sản sinh tế bào hồng cầu và duy trì lượng khoáng chất cho cơ thể. Nếu như bạn thấy da dẻ bỗng trở nên khô và ngứa nhiều hơn, hãy coi chừng thận đang bị suy yếu nên không thể cân bằng được khoáng chất, dinh dưỡng phù hợp để bảo vệ da và xương.

Lúc này, bạn cần phải uống đủ nước và giữ ẩm cho da nhiều hơn để hạn chế tình trạng khô da. Nếu muốn sử dụng các loại thuốc trị ngứa thì hãy tham khảo trước ý kiến của bác sĩ, bởi có một số thành phần trong thuốc dễ "phá hỏng" chức năng thận khi dùng sai cách.

5 dấu hiệu chính là lời kêu cứu của thận, cần đi khám sớm kẻo suy thận lúc nào chẳng hay - Ảnh 4.

Chúng ta cần làm gì để bảo vệ thận?

Bệnh thận chẳng khác nào "sát thủ thầm lặng", gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Chính vì vậy, chúng ta cần bảo vệ thận càng sớm càng tốt để cơ quan này hoạt động ổn định, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là những quy tắc đơn giản để làm điều đó:

- Có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn thịt và thực phẩm nhiều muối.

- Giữ cân nặng luôn ổn định, nếu mập thì nên tiến hành giảm cân.

- Bỏ thuốc lá.

- Luôn tập thể dục thường xuyên

- Uống đủ nước hàng ngày để giúp thận lọc độc tố tốt hơn.

- Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Theo Trí thức trẻ