Giải đáp của bác sĩ về việc có nên gây tê hay ''khâu sống'' tầng sinh môn?

Không ít chị em cảm nhận rõ sự đau đớn trong lúc khâu tầng sinh môn, vì vậy nhiều người nghĩ rằng họ không được gây tê trong lúc khâu.
 

Rạch tầng sinh môn là thủ thuật thường được áp dụng đối với các sản phụ sinh thường. Việc này nhằm mở rộng âm đạo giúp em bé ra ngoài dễ dàng hơn. Đồng thời việc rạch tầng sinh môn cũng nhằm mục đích tạo ra vết cắt chủ động thay vì vết rách phức tạp. Vết rạch tầng sinh môn chủ động vừa dễ khâu, vừa nhanh phục hồi sau sinh. 

Tuy nhiên, việc bị cắt và khâu tầng sinh môn là một nỗi khiếp sợ với không ít chị em đã từng trải qua. Nhiều người còn nhận xét là "khâu mũi nào biết mũi đó". Chính vì sự đau đớn như vậy nên không ít sản phụ cho rằng mình bị "khâu sống", không gây tê. 

NativeAd from Google

Vậy thực tế, sản phụ có được gây tê khi khâu tầng sinh môn hay không? Th.S, BS Tạ Việt Cường (Phó giám đốc Trung tâm khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2) giải đáp cho chị em về vấn đề này như sau: "Có 2 phương án gây tê cho sản phụ sinh thường, đó là gây tê ngoài màng cứng và gây tê tại chỗ vùng tầng sinh môn

Nếu như sản phụ đã tiêm thuốc gây tê ngoài màng cứng để giảm đau trước đó thì khi khâu tầng môn sẽ không có cảm giác đau, không phải gây tê tại chỗ nữa. Còn nếu sản phụ không tiêm thuốc gây tê ngoài màng cứng thì sẽ được gây tê vùng tầng sinh môn tại chỗ để giảm đau khi cắt và khi khâu. Điều này cũng sẽ giúp sản phụ không cảm thấy đau khi khâu tầng sinh môn. 


Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp sản phụ đã gây tê ngoài màng cứng nhưng đến lúc khâu thì thuốc tê cũng đã hết nên có thể cảm thấy đau. 

Cá biệt có những trường hợp sản phụ đã được gây tê tại chỗ nhưng vẫn cảm thấy đau. Nguyên nhân là do ngưỡng chịu đau của mỗi người có sự khác nhau. Và với những trường hợp như thế này, thường thì ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chúng tôi sẽ thêm thuốc tê hoặc sử dụng thêm thuốc an thần toàn thân để giúp sản phụ cảm thấy dễ chịu hơn". 

Về kỹ thuật khâu tầng sinh môn, BS Cường cho biết nhìn chung là khâu giống nhau, trừ những trường hợp rách phức tạp thì cần khâu mũi khâu chữ X, hoặc mũi khâu chữ U để siết chặt và đảm bảo không làm rách thành âm đạo của sản phụ.


Th.S, BS Tạ Việt Cường cho biết sản phụ sẽ được gây tê tại chỗ vùng chậu trong khi khâu tầng sinh môn.

Chăm sóc và phục hồi vết khâu tầng sinh môn sau sinh
Với những sản phụ có vết rạch nhỏ thì sau sinh đau không đáng kể và rất nhanh phục hồi. Tuy nhiên với những sản phụ rách phức tạp vì vết khâu có thể mất 6 tháng mới có thể hồi phục. Sau sinh, chị em cần chăm sóc vết khâu tầng sinh môn cẩn thận, đúng cách với những lưu ý dưới đây:

- Nếu cảm thấy đau vết khâu, mẹ có thể dùng miếng gạc hoặc túi đá lạnh chườm lên để giảm bớt cảm giác sưng đau. Nếu đau nhiều, mẹ đừng ngại nói với bác sĩ để được thăm khám, hoặc cho thuốc giảm đau. Thuốc giảm đau này không ảnh hưởng đến việc cho con bú. 


- Chọn tư thế ngồi ít tạo áp lực lên vết khâu. Có thể dùng miếng vải mềm lót hai bên mông hoặc ngồi đệm hơi để không đè nén lên vết thương. 


- Sử dụng nước ấm từ vòi hoa sen để vệ sinh sạch sẽ vùng đáy chậu, âm hộ khoảng 2 lần/ngày, sau mỗi lần đi vệ sinh. Sau đó dùng khăn mềm thấm khô. 

- Thay băng vệ sinh thường xuyên, khoảng 4-6 tiếng/lần để vết thương luôn sạch sẽ, hạn chế sự tích tụ vi trùng, giảm nguy cơ nhiễm trùng.

- Sau sinh mẹ cần ăn uống đủ chất, bổ sung chất xơ, uống nhiều nước hoặc dùng men tiêu hóa để tránh bị táo bón. Nếu mẹ bị táo bón thì nên đến cơ sở y tế để xử lý, không nên cố rặn có thể làm bục chỉ, rách thành âm đạo, rách vết khâu và việc khâu lại sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Nguồn: Pháp luật và Bạn đọc